Suy thận là một bệnh lý âm thầm và khó trị, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tuổi càng cao, độ nguy hiểm càng lớn
Dễ chuyển suy thận cấp
Thận được xem là bộ lọc máu trong cơ thể, giúp đào thải các chất độc hại, đóng vai trò tái hấp thu nước, đồng thời sản xuất các hormone quan trọng trong cơ thể.
Bác sĩ (BS) Liêu Thị Trúc Thanh – Bệnh viện (BV) Quận 2, cho biết: Suy thận cấp (STC) là một bệnh lý rất thường gặp ở người cao tuổi.
Theo y văn, kể từ sau 30 tuổi, độ lọc cầu thận sẽ giảm khoảng 1ml/ph/năm, mức độ giảm này sẽ tăng lên khi có những bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận mạn… Bên cạnh đó, quá trình xơ vữa động mạch toàn thân cũng diễn tiến theo tuổi tác. Vì thế, người lớn tuổi rất dễ bị STC hơn so với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Tất cả các nguyên nhân gây STC đều có thể gặp ở mọi độ tuổi, nhưng một số nguyên nhân thường gặp trên những bệnh nhân lớn tuổi là:
– Ăn uống kém: những bệnh nhân cao tuổi, chỉ cần giảm lượng nước nạp vào trong vài ngày là có thể gây STC.
– Do thuốc: bệnh nhân lớn tuổi thường có một số bệnh lý đi kèm, thường phải dùng kết hợp các loại thuốc, một số bệnh nhân còn dùng cả thuốc Đông y, thực phẩm chức năng. Tác động của thuốc lên thận theo nhiều cơ chế khác nhau, có thể gây tổn thương cầu thận và cả ống thận. Vì thế, việc dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc.
Triệu chứng thường hay gặp là tiểu ít (<500 ml/24h), hoặc không đi tiểu được, mệt mỏi. Khi STC diễn tiến nặng có thể gây buồn nôn, nôn, bứt rứt, ngủ nhiều, khó thở, thậm chí có thể gây lơ mơ, hôn mê, co giật, và tử vong.
STC là một bệnh lý cấp tính về nội khoa, hầu hết các trường hợp đều phải được nhập viện theo dõi, tìm nguyên nhân, điều trị đặc hiệu. Khoảng 10% các trường hợp STC sẽ không hồi phục và diễn tiến đến suy thận mạn.
Dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng tiểu cũng là bệnh lý thận thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi. Nguy cơ nhiễm trùng tiểu tăng dần theo tuổi, nguyên nhân là do càng cao tuổi, bàng quang càng giảm khả năng tống xuất nước tiểu (đặc biệt là khi nằm lâu hay do các bệnh thần kinh), phì đại tiền liệt tuyến ở nam, tiền liệt tuyến giảm tiết các yếu tố diệt khuẩn, tăng khả năng dây nhiễm vi khuẩn đường ruột và âm đạo phụ nữ sau tuổi mãn kinh…
Đơn cử trường hợp của bà Nguyễn Thị X. ở Q.Bình Thạnh – 60 tuổi, suốt một thời gian dài bị thường xuyên tiểu buốt và gắt. Đi khám thì được BS cho biết bà bị nhiễm trùng đường niệu, nhưng do chủ quan nên khi uống thuốc thấy triệu chứng buốt, gắt giảm, bà đã không tái khám theo lịch hẹn.
Đến khi rơi tình trạng tiểu đau buốt giống như bị kim châm, vùng bụng dưới đau và nóng rát chịu không nổi bà mới trở lại BV thì biến chứng đã nặng nề. Bà được chẩn đoán viêm đài thận và có thể gây suy thận. Theo BS điều trị, viêm đường tiết niệu do vi khuẩn sẽ xâm nhập rất nhanh vào bàng quang, gây nhiễm trùng thận, nhiễm trùng máu và gây nhiều hậu quả nặng nề khác.
BS Trúc Thanh cho biết, nữ thường có tần suất nhiễm trùng tiểu cao hơn nam do niệu đạo ngắn hơn. Triệu chứng chính của nhiễm trùng tiểu là tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, còn mắc tiểu sau khi đã tiểu hết, đau vùng bụng dưới rốn.
Nếu nhiễm trùng ở đường niệu cao (đài bể thận), bệnh nhân có thể sốt cao, lạnh run, đau bụng vùng hông lưng. Trên bệnh nhân lớn tuổi, triệu chứng nhiễm trùng tiểu có thể không rõ ràng và đầy đủ như bệnh nhân trẻ, có thể không sốt, thậm chí hạ thân nhiệt (do đáp ứng viêm toàn thân), mạch nhanh và thở nhanh là những biểu hiện của hội chứng viêm và nhiễm trùng.
Để chẩn đoán, bệnh nhân cần phải được lấy nước tiểu xét nghiệm, soi và cấy nước tiểu, làm các xét nghiệm máu cần thiết khác… Điều trị chính là dù ng kháng sinh, tùy theo mức độ nhiễm trùng, nguyên nhân, tiền căn nhiễm trùng trước đó, vị trí nhiễm trùng trên đường tiểu mà các BS chuyên khoa sẽ lựa chọn kháng sinh.
Bên cạnh đó, phải tìm nguyên nhân hay yếu tố thúc đẩy để giải quyết triệt để, hạn chế tái phát, kiểm soát nhanh chóng nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng tiểu không được điều trị đúng, có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng và tử vong.
Dễ bị xơ hóa mạch máu thận
Theo tuổi tác, quá trình xơ vữa động mạch sẽ diễn tiến dần, ảnh hưởng đến hệ mạch máu toàn thân, bao gồm cả động mạch thận. Đáng nói là đa số bệnh nhân bị hẹp động mạch thận không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi bệnh tiến triển nặng.
Cụ thể như trường hợp của ông Phạm Văn Đ. – 65 tuổi, nhà ở Q.12. Ông Đ. vốn có tiền sử cao huyết áp, nghiện thuốc lá gần 30 năm và cũng là người dư cân. Gần đây, ông lại phát hiện thêm bệnh đái tháo đường, vùng tay và mặt rất hay bị phù nề, chân hay bị chuột rút, khó ngủ, không có khả năng tập trung và thường xuyên đau đầu, ăn uống không thấy ngon, thậm chí rất hay nôn ói…
Đi kiểm tra sức khỏe, phát hiện chức năng thận suy giảm nặng nề, hẹp động mạch thận – đây chính là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp nhưng điều trị không đến nơi đến chốn.
Theo giới chuyên môn, hẹp động mạch thận do xơ vữa là một nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát trên người lớn tuổi và cũng là một trong những nguyên nhân của tăng huyết áp kháng trị.
Dựa vào đặc điểm của tăng huyết áp, suy thận mà các BS chuyên khoa sẽ xét đến chỉ định tìm hẹp động mạch thận. Chẩn đoán hẹp động mạch thận trên hình ảnh học có thể dùng siêu âm doppler động mạch thận hay CTA mạch máu thận, DSA…
Nếu đã được chẩn đoán hẹp động mạch thận do xơ vữa, bệnh nhân sẽ được chỉ định can thiệp động mạch thận. Các điều trị khác bao gồm thay đổi lối sống (vận động thể lực, giảm ăn mặn, ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu…), kiểm soát huyết áp bằng thuốc, kiểm soát đường huyết (nếu có đái tháo đường), dùng các thuốc ổn định tình trạng rối loạn lipid máu.
Theo PNO
Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.
Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.