Tưởng bị viêm xoang hóa ra mắc u nang sàn mũi
Bệnh nhân B.T.T, 60 tuổi nhập viện trong tình trạng hay bị đầy mũi một bên, nghet mũi. Trước khi tới bệnh viện, bà T. cho biết thỉnh thoảng bà hay bị cảm cúm nên khi bị nghẹt mũi cũng nghĩ bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây bà thấy nghẹt mũi, tự mua thuốc trị viêm mũi mãi không đỡ. Mũi của bà đau nhức hơn khiến lúc nào bà cũng chỉ muốn cho tay vào ngoáy mũi. Qua thăm khám, các bác sĩ nội soi đã phát hiện bà T. có một khối u ở sàn hốc mũi.
Tương tự, bà N.T.H (57 tuổi, ở Vĩnh Phúc) vào viện trong tình trạng cảm giác hơi đầy một bên mũi, thỉnh thoảng nghẹt mũi. Bà H. cho biết, thời gian đầu bà nghĩ viêm mũi xoang nên ra ngoài hiệu thuốc mua thuốc uống, thuốc nhỏ song vẫn không đỡ, biểu hiện đau nhức ngày một tăng nên đã tới bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận bà bị khối u ở sàn hốc.
Vị trí của u nang sàn mũi là nằm trong vùng rãnh lợi môi và ở mặt trước
xoang hàm.
U nang sàn mũi có nguy hiểm?
U nang sàn mũi là u lành tính xuất phát từ sàn hốc mũi. Vị trí của u nang sàn mũi là nằm trong vùng rãnh lợi môi và ở mặt trước xoang hàm. Nhiều người bệnh cảm giác hơi đầy một bên mũi, thỉnh thoảng nghẹt mũi, đau nhức đi khám thì phát hiện u nang sàn mũi.
Biểu hiện lâm sàng của u nang sàn mũi là sưng nề vùng rãnh mũi – má và vùng cửa mũi trước. Người bệnh thường xuyên nghẹt mũi cùng bên với khối u nang. Tình trạng đau nhức cũng có thể xảy ra đối với trường hợp khối u nang mũi có dấu hiệu bị nhiễm trùng hay áp xe hóa.
Có trường hợp u nang mũi hoàn toàn không có triệu chứng gì chỉ khi đi khám và được phát hiện tình cờ.
Tuy nhiên, nếu khối u phát triển lớn, lấn qua xoang sàng vào ổ mắt, đẩy lồi nhãn cầu hoặc qua xoang sàng, bướm phát triển vào nội sọ. Tình trạng này thường gặp trong u xơ vòm thành bên. Và nếu phát triển tự nhiên sẽ gây những tác hại lớn như làm sập hàm ếch, tiêu xương hàm trên. Phát triển vào hố chân bướm hàm gây ảnh hưởng đến hoạt động nhai.
Chẩn đoán u nang sàn mũi
Ngoài việc khám lâm sàng thì thông thường u nang sàn mũi chẩn đoán bằng nội soi tai mũi họng. Các bác sĩ có thể dùng kim chọc hút thăm dò nang qua đường mũi thường có dung dịch sánh nhầy, vàng trong, trường hợp bị nhiễm khuẩn, áp xe thì dịch này có lẫn mủ đục.
Trường hợp cần phân biệt với u nang răng sinh và áp xe chân răng, áp xe nhọt tiền đình mũi… hoặc nghi ngờ ác tính các bác sẽ sẽ chỉ định chụp CT Scanner và làm giải phẫu bệnh.
U nang sàn mũi chữa thế nào?
Là u nang lành tính nên u nang sàn mũi phần lớn được chỉ định phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị chính của phần lớn các trường hợp u lành tính vùng mũi xoang. Nếu u nang đang nhiễm trùng thì cần điều trị nội khoa trước đến khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm sẽ tiến hành phẫu thuật bóc khối u.
Tùy thuộc vào vị trí, kích thước, mức độ lan tỏa của khối u và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ chỉ định mổ mở hay nội soi.
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần thực hiện đúng chỉ định của các bác sĩ, tái khám định kỳ, tái khám ngay sau khi hết thuốc, khi xuất hiện các dấu hiệu triệu chứng bất thường như chảy máu, nghe mùi hôi ở mũi, nghẹt mũi tăng lên,… hoặc khối phồng tại vị trí cũ lại xuất hiện trở lại.
Tóm lại: U nang sàn mũi là loại u lành tính xuất phát từ sàn hốc mũi, nằm trong vùng rãnh lợi môi và ở mặt trước xoang hàm. Cũng giống như các khối u ở vùng mũi xoang, các biểu hiện bệnh dễ nhầm với tình trạng viêm mũi xoang nên khi có biểu hiện bất thường cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.
Nguồn SKĐS
Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.
Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.