Chỉ số Triglyceride và ý nghĩa trong xét nghiệm

Ngày cập nhật: 07/12/2021

Nhắc đến mỡ máu, có lẽ mọi người đều biết đến Cholesterol nhưng lại ít người biết Triglyceride là gì. Thế nhưng nó lại là một phần không thể thiếu trong bộ xét nghiệm bilan lipid. Không ít người thắc mắc liệu chỉ số Triglyceride có vai trò gì. Hãy cùng Doctor4U tìm hiểu ý nghĩa của chỉ số Triglyceride trong xét nghiệm máu qua bài viết dưới đây.

Triglyceride là gì?

Triglyceride (hay còn gọi là chất béo trung tính) là một lipid tại mô mỡ để dự trữ năng lượng cho cơ thể. Chỉ có một lượng nhỏ của nó di chuyển trong máu. Tất cả lipid đều có tính chất kị nước. Vì thế nên Triglyceride hầu như không tan trong máu. Nó được vận chuyển trong máu trong các hạt Lipoprotein.

Phần lớn lượng mỡ chúng ta ăn vào là Triglyceride. Khi đến tá tràng, dưới tác dụng của dịch mật và lipase dịch tụy, nó bị thủy phân thành monoglyceride và acid béo. Sau đó lại được tái tổng hợp lại ở niêm mạc ruột rồi kết hợp với cholesterol và một số thành phần tạo thành Chylomicron.

Chylomicron có chứa nhiều Triglyceride. Sau khi đi vào tuần hoàn chung từ mạch bạch huyết, tại gan, Chylomicron được gan thu nhận bớt acid béo và tổng hợp thêm acid béo mới từ Acetyl CoA. Acid béo này kết hợp với glycerolphosphat tạo thành Triglyceride.

Sau đó, tế bào gan lại kết hợp Triglyceride với một số thành phần, trong đó có Cholesterol, tạo thành VLDL để đưa vào trong máu. Như vậy, cả Chylomicron và VLDL đều chứa nhiều Triglyceride. VLDL giảm tỷ lệ Triglyceride thì sẽ thành IDL, LDL.

Giá trị Triglyceride trong xét nghiệm

Mức độ Triglyceride trong máu có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Triglyceride nên được đo sau khi nhịn ăn ít nhất 9 giờ. Chỉ số Triglyceride được chia thành các mức độ sau:

Bình thường: < 150 mg/dL ( 1.7 mmol/L).

– Tăng vừa phải: Từ 150 – 499 mg/dL (1.7 – 5.6 mmol/L).

– Tăng cao: Từ 500 – 886 mg/dL (5.6 – 10 mmol/L).

– Tăng rất cao: > 886 mg/dL (10 mmol/L).

Nên duy trì chỉ số Triglyceride ở trong mức bình thường. Đối với những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác thì nên tầm soát bằng cách làm xét nghiệm máu đo Triglyceride thường xuyên hơn.

Ý nghĩa của chỉ số Triglyceride trong xét nghiệm

Triglyceride có thể được chỉ định như một xét nghiệm độc lập hoặc là một phần của xét nghiệm bilan lipid máu. Những chỉ định phổ biến nhất để đo chỉ số Triglyceride là:

– Xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch để phòng ngừa ban đầu.

– Xác định căn nguyên của viêm tụy cấp.

– Theo dõi điều trị tăng Triglyceride máu.

– Sàng lọc các thành viên trong gia đình về các dạng tăng Triglyceride máu có tính chất gia đình.

Nồng độ Triglyceride trong huyết tương tăng cao có liên quan đến bệnh tim mạch do xơ vữa và các biến cố như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tăng Triglyceride cũng dẫn đến tăng viêm. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần gây nên tình trạng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, lượng Triglyceride tăng cao cũng làm tăng trạng thái tiền huyết khối. Tăng độ nhớt máu qua trung gian Triglyceride góp phần vào rối loạn chức năng nội mô, thiếu máu cục bộ và hội chứng Chylomicronemia.

Tăng Triglyceride máu nghiêm trọng có thể chiếm từ 1 đến 10% các trường hợp viêm tụy cấp. Những người có chỉ số Triglyceride rất cao có thể bị viêm tụy. Bản thân Triglyceride không độc hại. Đúng hơn là chính sự phân hủy Triglyceride thành các acid béo tự do độc hại bởi lipase dịch tụy là nguyên nhân gây ra nhiễm độc mỡ trong viêm tụy cấp.

Mức độ nghiêm trọng của viêm tụy cấp ở người tăng Triglyceride máu phụ thuộc vào cả hai yếu tố. Đó là phản ứng viêm do chính viêm tụy gây ra và tổn thương do nhiễm độc chất béo bởi thủy phân Triglyceride. Tụy là một cơ quan tiết ra nhiều hormon và enzym giúp phân hủy thức ăn. Vì thế, khi bị viêm tụy có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ở những bệnh nhân có chỉ số Triglyceride cao, các rối loạn di truyền và thứ phát thường cùng tồn tại. Trong hầu hết các trường hợp, xét nghiệm di truyền không được chỉ định. Nhưng đối với những người có thành viên gia định bị tăng Triglyceride máu nặng và có tiền sử viêm tụy cấp thì sẽ được xem xét làm xét nghiệm di truyền.

Cần làm gì để giảm chỉ số Triglyceride?

Không phải tất cả những người có chỉ số Triglyceride trong xét nghiệm máu cao đều cần phải dùng thuốc để hạ xuống. Tùy thuộc vào tuổi tác, tiền sử gia đình và các vấn đề sức khỏe khác của bạn mà bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần dùng thuốc không. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm chỉ số Triglyceride mà không cần thuốc nhờ những biện pháp sau:

– Giảm cân nếu bạn đang thừa cân.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Tránh những thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường, carbohydrate như bánh mỳ, nước ngọt, đồ ngọt,…

– Tránh các loại thịt đỏ, bơ, phô mai, thực phẩm chiên rán và các loại hạt. Điều này sẽ hữu ích nếu chỉ số Triglyceride của bạn trên 500 mg/dL.

– Hạn chế uống rượu. Nếu lượng Triglyceride của bạn trên 500, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn xem liệu uống rượu có an toàn hay không.

Tóm lại, dựa trên mối liên hệ giữa tăng Triglyceride máu với bệnh tim mạch do xơ vữa và viêm tụy, cần đặt mục tiêu hạ Triglyceride để giảm nguy cơ cho cả hai. Mong rằng qua những thông tin vừa rồi, bạn sẽ hiểu thêm phần nào về chỉ số Triglyceride và ý nghĩa của nó trong xét nghiệm máu. Hãy đến với Doctor4U để được hỗ trợ tận tình nhất bất cứ khi nào bạn cần tư vấn hoặc khám chữa bệnh.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.

Tin liên quan

5 dấu hiệu không ăn đủ protein

27/03/2024
5 dấu hiệu không ăn đủ protein Không phải ai cũng biết mình cần bao nhiêu protein, nguồn protein nào tốt nhất và dấu hiệu cơ thể không được cung cấp đủ protein.

Nên cắt giảm đường ngay để giảm mỡ máu và cholesterol xấu

27/03/2024
Nên cắt giảm đường ngay để giảm mỡ máu và cholesterol xấu Ăn đồ ngọt và thực phẩm chứa đường tinh luyện làm tăng mỡ máu triglyceride và LDL-cholesterol, thủ phạm gây ra béo phì, đái tháo đường,... Cắt giảm thực ...

Ăn muối thế nào là tốt nhất cho sức khỏe?

27/03/2024
Ăn muối thế nào là tốt nhất cho sức khỏe? Người khỏe mạnh bình thường chỉ nên ăn muối từ 6-8 g/ ngày (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh).

Liên hệ


Khánh hàng cá nhân

Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.


Khánh hàng doanh nghiệp, tổ chức

Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.