Theo xu thế tuổi thọ đang được cải thiện hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng làm cho số người mắc bệnh loãng xương cũng ngày càng nhiều. Phần lớn người dân mình vẫn còn quan niệm loãng xương là một bệnh nhẹ ai già cũng gặp mà không biết rằng nó để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng Doctor4U tìm hiểu xem thử liệu bệnh loãng xương có nguy hiểm không qua bài viết dưới đây."/>
Loãng xương là một tình trạng bệnh lý của hệ thống xương với hai đặc điểm: Khối lượng xương suy giảm và vi cấu trúc của xương bị hư tổn. Cuối cùng dẫn đến tình trạng xương bị yếu, tăng nguy cơ gãy xương. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định để chẩn đoán loãng xương cần đo mật độ xương.
Bệnh loãng xương đang là một vấn đề lớn được thế giới quan tâm vì tỷ lệ ngày càng gia tăng và hậu quả nghiêm trọng gây gãy xương của nó. Nó gây tốn kém không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê trong vòng 30 năm qua, ở phụ nữ trên 60 tuổi, cứ 5 người thì lại có 1 người mắc bệnh loãng xương. Con số này ở nam giới là khoảng 10%.
Sức mạnh của xương suy giảm có liên quan đến nhiều yếu tố như mật độ khoáng của xương, tốc độ tạo xương và tiêu xương, vi cấu trúc của xương. Vậy điều gì làm thay đổi những yếu tố này để dẫn đến bệnh loãng xương? Tuổi già và thiếu hụt estrogen là hai yếu tố quan trọng nhất đối với sự tiến triển của căn bệnh này ở cả phụ nữ và nam giới.
Ở cả phụ nữ và nam giới, sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và tiêu xương giảm dần theo tuổi tác. Sau khi khối lượng xương đạt đỉnh, sự tiêu xương bắt đầu tăng lên. Tuổi càng lớn thì các nguyên bào xương và tế bào xương cũng già đi. Mặt khác, estrogen và androgen có tác dụng làm giảm quá trình hủy xương, cân bằng quá trình tạo xương và tiêu xương. Chính vì thế, càng lớn tuổi, sự suy giảm hai hormon này càng khiến nguy cơ loãng xương tăng cao. Đặc biệt là đối với phụ nữ mãn kinh.
Tuy nhiên, nam giới lại có ít nguy cơ loãng xương hơn nữ giới vì hai lý do. Đầu tiên, mật độ xương đỉnh của họ ở tuổi dậy thì lớn hơn nữ giới. Thứ hai, họ không bị mất estrogen đột ngột như nữ giới sau mãn kinh nên mất ít xương hơn trong quá trình lão hóa. Nhưng không vì thế mà chủ quan lơ là. Thiếu hụt estrogen vẫn phần nào góp phần gây loãng xương ở nam giới.
Nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh loãng xương có thể đem đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương chính là gãy xương. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng mật độ xương thấp có liên quan đến tăng nguy cơ gãy xương. Ở những người bị loãng xương, chỉ với va chạm nhẹ cũng đã có thể dẫn đến gãy xương rồi.
Những vị trí gãy xương hay gặp là đầu trên xương đùi, xương cánh tay và đầu dưới xương cẳng tay. Đây là những vị trí chịu lực nhiều trong đi lại và sinh hoạt hàng ngày, cũng là những vị trí thường xuyên va chạm nếu có chấn thương hay té ngã. Ước tính có đến 9 triệu ca gãy xương do loãng xương trên toàn thế giới mỗi năm.
Số lượng người mắc bệnh loãng xương càng tăng lên khi tuổi càng cao. Chính vì thế, đối tượng gãy xương do loãng xương phần lớn là người lớn tuổi. Điều này càng nguy hiểm vì tốc độ lành vết thương ở người cao tuổi chậm hơn người trẻ nhiều. Gãy xương ở họ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như chậm liền xương, khớp giả, di lệch,…
Việc hạn chế vận động và nằm lâu sau khi điều trị gãy xương cũng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ví dụ như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu hoặc loét ép. Hơn nữa, một số trường hợp còn không thể phẫu thuật kết hợp xương vì quá nhiều bệnh kèm.
Ngoài gãy xương ra, loãng xương còn làm biến dạng xương ở người bị bệnh. Một số biểu hiện thường gặp là lún xẹp đốt sống, gù hoặc cột sống cong ra trước. Điều này dẫn đến sụt giảm chiều cao và hạn chế vận động cột sống. Lún xẹp đốt sống ngực đôi khi có thể gây đau ngực, khó thở hoặc ảnh hưởng đến thần kinh liên sườn. Đa số các trường hợp thường diễn tiến âm thầm và ta chỉ nhận thấy được khi đã biến dạng rõ.
Một khi đã phát hiện loãng xương, bạn cần có chiến lược điều trị hợp lý qua sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Mục đích điều trị loãng xương nhằm tăng khối lượng xương, cải thiện cấu trúc, độ chắc của xương và giảm nguy cơ gãy xương. Điều trị loãng xương phải điều trị lâu dài, có thể kéo dài từ 3 – 5 năm tùy vào mức độ loãng xương. Sau đó cần đánh giá lại tình trạng bệnh để có phương án điều trị tiếp theo.
Hiện tại có rất nhiều thuốc để điều trị loãng xương như Biphosphonate, Denosumab, Teriparatide, Calcitonin,… Tuy nhiên, không phải ai cũng điều trị loãng xương bằng thuốc và dùng thuốc nào cũng được. Chúng có những chỉ định riêng. Vì thế bạn cần có sự thăm khám kỹ càng của bác sĩ mới đưa ra kết luận được. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần cái thiện lối sống, bổ sung calci và vitamin D trong chế độ ăn để góp phần cải thiện bệnh loãng xương.
Tóm lại, với sự phổ biến trong bệnh loãng xương như ngày nay, việc nhận biết được mức độ nguy hiểm của bệnh là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần nhận biết và có chiến lược điều trị loãng xương hợp lý để tránh những hậu quả nghiêm trọng về sau. Điều này không chỉ là điều trị bệnh mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống tuổi già.
Hiện tại, Phòng khám bác sĩ gia đình Doctor4U đang triển khai các gói khám sức khỏe nâng cao và cơ bản, với nhiều xét nghiệm kiểm tra bằng hệ thống trang thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ bác sĩ đầy kinh nghiệm sẽ mang đến cho gia đình những tư vấn tốt nhất.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng liên hệ Hotline: 0936.561.212 để đặt lịch khám hoặc truy cập Fanpage để theo dõi thông tin ưu đãi mới nhất: https://www.facebook.com/www.Doctor4U.vn.
Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.
Hãy liên hệ ngay với PKĐK Ngọc Khánh để được tư vấn và đặt lịch khám.